Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử xã Trà Tập

Chi tiết tin

Những đồng bào khước từ trợ cấp

Mùa dịch, một tấn gạo trợ cấp được đưa về xã Hướng Lập. Nhưng có những hộ nghèo không nhận: họ đã tình nguyện trả sổ hộ nghèo từ lâu.

Gia đình chị Hồ Thị Chưng là "hộ nghèo" là căn cứ vào mọi tiêu chuẩn. Nhà chỉ làm rẫy, không có thu nhập tiền mặt. Bữa ăn chỉ cơm trắng, canh rau. Món nợ 8 triệu đồng chưa biết lấy gì trả. Nơi ở không biết gọi là "nhà" hay "lán". Nhưng chị Chưng vẫn quyết xin ra khỏi hộ nghèo.

Chị Hồ Thị Chưng, Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị không nhớ mình xin ra khỏi hộ nghèo là ngày nào. Chị chỉ nhớ hôm đó là một buổi họp bản. Giơ cánh tay gầy gò, chị đứng dậy, dõng dạc: "Tôi còn khỏe, tôi xin ra khỏi hộ nghèo. Xin nhường lại suất này cho những người khác còn khó khăn".

Hướng Lập có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%, cao nhất Hướng Hóa. Dân ở đây đa phần người đồng bào thiểu số. Nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây, từ thị trấn Khe Sanh chạy 70km, qua các cung đường, vượt đèo Sa Mù, khi thấy dòng Sê-Băng-Hiêng, chạy qua cây cầu cùng tên là đặt chân đến Hướng Lập.

Trung tâm Hướng Lập là một khoảnh đất bên sông, lác đác vài chục ngôi nhà sàn, trụ sở đơn vị hành chính, không có cả một quán ăn. Những mảnh đất ven nương, người dân đắp bờ, dẫn nước về làm ruộng. Đất cằn lúa chẳng muốn lên, còi cọc, khô cháy.

Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo đói ở Hướng Lập là 60,6%. Trải qua 12 năm, tỷ lệ chỉ giảm được 10,6%.

Hộ nghèo giảm nhỏ giọt. Chính quyền lo không biết người dân sẽ tái nghèo lúc nào. "Thiếu đất sản xuất; đàn gia súc không nhiều, chỉ nhỏ lẻ vài hộ với dăm ba con bò, trâu", Chủ tịch UBND xã Hướng Lập, ông Hồ Đức Vân nói.

Ban ngày ở Hướng Lập, rất khó để gặp được người lớn. Những đứa trẻ ở nhà quanh quẩn chơi trong vườn. Đứa lớn trông đứa nhỏ, mặt mũi lem đất cát. Đất rừng ít, nhưng người dân ở đây thường ít khi rảnh rỗi để ở nhà; đi làm rẫy, đi rừng chặt đót khi đến mùa hay đi trả công cho nhau. Quần quật ngày này qua ngày khác. Lúc thời tiết không thuận, họ mới ở nhà, ngồi trông trời đất.

Việc giảm hộ nghèo ở Hướng Lập có một phần đến từ việc người dân xung phong xin ra khỏi danh sách. Năm 2019, ở Hướng Lập có 3 hộ xin trả lại sổ.

Nhà chị Chưng và đứa con trai út được dựng cách trung tâm xã một cây số, trên một khoảnh đất cao. Chị Hồ Thị Chưng, ở bản A Xóc, bà mẹ đơn thân, xin ra khỏi hộ nghèo trong một buổi họp dân bản.

Căn nhà dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào vùng cao, nằm dưới hai gốc mít. Sáu cột sắt, hai mái lợp fibro ximăng, vách che chắn bằng những tấm gỗ ghép lại. Ngồi trong nhà có thể nhìn thấy khung cảnh bên ngoài, đàn gà bên dưới đang bới tìm giun qua những miếng gỗ nứa ghép sơ sài. Chỗ ngủ và bếp cạnh nhau, không vách che. Bên trong đặc quánh màu đen mạng nhện và muội khói.

Căn nhà của mẹ con Hồ Thị Chưng nằm trên đồi. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành.

Căn nhà của mẹ con Hồ Thị Chưng nằm trên đồi. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành.

Chị Chưng vừa mới đi rẫy về. Chân chị đi đôi ủng nhựa, mặc chiếc áo thun màu xanh trời đã sờn cùng chiếc váy thổ cẩm dài đến mắt cá chân. Chị Chưng người nhỏ, gầy, gò má cao làm đôi mắt sâu hoắm. Chị hiền, đặc biệt là khi cười.

Chiếc chiếu nhựa đã ngả màu, rách nhiều chỗ. Chị Chưng kéo ra, mời khách. Từ nhà, mỗi ngày chị mất hơn tiếng đồng hồ để vào đến rẫy. Cơm đùm, nước bới. Chị đi đến tối muộn mới về, rồi lại hì hục lo việc nhà.

Sinh ra ở Hướng Lập, rồi lấy chồng, dựng căn nhà trên mảnh đất hiện nay. Hai vợ chồng chị có với nhau 5 người con. Đứa út giờ 17 tuổi. Những đứa lớn đi lấy chồng, sống xa quê. Cuộc sống chúng cũng không hơn chị là bao.

Cuộc đời Chưng là một chuỗi ngày dài sống chung với cái nghèo. Đông con, thiếu đất sản xuất, họ không có khả năng chuẩn bị cho biến cố. Năm 2013, chồng chị ốm. Đi khám, bệnh viện kết luận "ung thư gan giai đoạn cuối".

Chưng gắng gượng gom góp, vay mượn được 30 triệu, đưa cho người thân vào Huế lo cho chồng. Chị ở nhà, lo toan mọi thứ, ngóng tin chồng, hy vọng vào một phép màu nào đó. Nhưng không có phép màu. Chồng chị qua đời, tin dữ lại báo về. Chị khóc như ngất đi. Đường xa, chị không vào Huế nhìn mặt và đưa chồng về được. Hôm thi thể chồng về, chị không đủ sức để đứng dậy, nước mắt cũng chẳng còn để khóc.

Lo hậu sự cho chồng xong, chị kiệt quệ, không đứng vững. Khi số nợ 30 triệu chữa bệnh cho chồng chưa trả chưa hết, Chưng lại gánh thêm đống nợ khác. Đứa con gái thứ ba đổ bệnh. Bác sĩ chẩn đoán con chị bị bệnh về thần kinh. Chữa y học, mời thầy về cúng, khấn tứ phương, đến khi "cạn túi" con gái mới lành. "Mấy năm sau thì nó cũng lấy chồng. Cũng ở xa mẹ", chị Chưng tâm sự.

Mất chồng, mọi gánh nặng đè lên vai chị Chưng. Đứa con trai út còn nhỏ chỉ giúp chị những việc vặt. Tiền nợ phải trả, không trốn được. Chị cũng chẳng biết chia sẻ với ai. Ở xứ Hướng Lập này có mấy ai được cuộc sống nhàn nhã.

Mất mấy năm để trả hết nợ tiền chữa bệnh cho chồng con, chị Chưng vay Ngân hàng chính sách 40 triệu mua đôi trâu và con bò. Chị được hưởng lãi suất thấp cho hộ nghèo. 10 triệu đồng, mỗi tháng lãi suất 55 nghìn đồng; trả trong vòng 5 năm.

Nhà ít rẫy, nhưng rồi hai con trâu và bò sẽ sinh sản, tăng đàn giúp kinh tế đỡ hơn, dự tính của chị Chưng như vậy khi dắt chúng về. Nhưng trâu và bò lần lượt chết do dịch bệnh. Dân bản thấy vậy quây lại, mổ thịt, bán giúp. Một con xẻ thịt bán được hơn triệu. Ai có tiền trả tiền, còn không trả gạo, thóc. "Tiền mẹ bán thịt cũng mấy năm mới thu hết. Dân ở đây ai cũng khó khăn", chị Chưng cười hiền.

Trâu chết. Bò chết. Chị Chưng lại lâm vào nợ. Lần này, cây bời lời không giúp được chị trả nợ. Cây bời lời về vùng đất Hướng Lập 20 năm trước, được chú trọng phát triển thành cây chủ lực giúp người dân thoát nghèo. Cây bời lời trồng 10 năm mới thu hoạch. 5 năm sau vỏ mới tái sinh, cho thu hoạch lại. Giá bời lời có lúc lên 20.000-25.000 đồng/kg khô, giờ chỉ còn 5.000 đồng/kg. Nhiều hộ muốn chặt bỏ. Chính quyền vận động, đừng chặt mà phí, rồi giá lên cao lại thôi. Nhưng mãi giá bời lời chưa lên lại.

Cũng may cây sắn (củ mỳ) được nhà máy thu mua giá ổn định. Gắng gượng mấy vụ chị trả cũng gần hết số nợ. "Còn 8 triệu, định vụ sắn đến đây sẽ trả hết", chị nói.

Ba bao thóc, công sức làm lụng từ vụ lúa trước, chị cột chặt, cất cẩn thận ở góc nhà. Chị Chưng không dám dùng đến. Chị bảo để dành, lỡ đau ốm có cái bán đi mua thuốc, giã gạo nấu cháo. Đang mạnh, chị đi làm rẫy kiếm gạo ăn qua ngày.

Chiều tối, chị vóc lấy trong thùng sơn chưa đầy một lon gạo. Bắc lên bếp, chuẩn bị bữa tối cho hai mẹ con. Chị với lấy chiếc rổ, đi quanh vườn ngắt được nắm lá lốt, bảo: "Lá này nấu canh, ngon lắm. Ăn suốt như này quen rồi".

Chị Hồ Thị Chưng trong căn lán hai mẹ con đang sống. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành.

Chị Hồ Thị Chưng trong căn lán hai mẹ con đang sống. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành.

Nắm lá lốt được rửa sạch. Chị Chưng cắt nhỏ bỏ lên chiếc nồi nhôm. Lửa sôi, chị đổ vào ít nước, chút bột canh, quậy đều, thử rồi khen ngon. Canh lá lốt, cùng với nồi cơm trắng là thực đơn buổi tối của hai mẹ con.

Bữa ăn của hai mẹ con từ lâu nay không có thịt, cá. Cơm trắng, thêm tô canh rồi hai mẹ con cùng ăn, miễn no cái bụng. Đôi khi ra chợ, thấy thịt cá chị định bụng hay mình liều ăn một bữa. Chị nghĩ lại, nếu giờ "ăn sướng" một miếng, mai ốm không còn tiền mua thuốc thì nguy. Nghĩ vậy, chị nhịn quay về cơm canh đạm bạc qua ngày.

Chỉ sau ba biến cố, Hồ Thị Chưng không còn hy vọng làm lại. Bây giờ, tự túc được khoản thu nhập nào thì chị dựa vào, gắng làm trả món nợ còn lại.

Đứa con gái cuối cùng đi lấy chồng, trong nhà chỉ còn lại hai mẹ con. Chị Chưng nghĩ, đã đến lúc trả lại sổ nghèo. Chị không có nhu cầu vay vốn làm kinh tế. Con chị cũng không đi học, chị muốn nhường suất này cho hộ khác, có con đi học hay muốn vay vốn làm ăn.

Buổi tối tháng 9/2019, cơm nước xong nghe kẻng họp dân chị đi bộ ra nhà văn hóa thôn. Đoạn đường đi chị suy nghĩ mãi về việc xin ra khỏi hộ nghèo. Có nên ra hay không? Hai luồng tư tưởng mâu thuẫn trong đầu chị. Khi đến cổng nhà văn hóa, chị quyết định.

Cuộc họp bắt đầu, cán bộ xã, thôn phát biểu xong. Trong đám đông ngồi giữa hội trường, chị Chưng đứng dậy, phát biểu: "Mấy năm nay tôi được chính quyền và hàng xóm thương yêu, cho tôi cái hộ nghèo. Nay nhà tôi chỉ còn hai mẹ con, tôi còn khỏe, đủ sức làm. Con trai của tôi cũng phụ giúp được rồi. Cho tôi xin ra khỏi danh sách hộ nghèo".

Hàng xóm dự họp, nghe chị nói, ngạc nhiên, ngước mắt lại nhìn, nhiều tiếng xì xào vang lên: "Người khác muốn vào không được, nay mình xin ra". Nhưng chị mặc kệ, chị nói: "Tôi còn khỏe, tôi không nghèo. Tôi nhường lại cho những hộ khác, khó khăn, bệnh tật hơn tôi".

Cán bộ hỏi chị có chắc với quyết định này không? Chưng nói đã suy nghĩ kỹ. Có hối hận không? Chị bảo: "Răng phải hối hận?".

Vào danh sách hộ nghèo lúc nào chị Chưng không nhớ. Những chính sách cho hộ nghèo ở Hướng Lập có được là gì? Tết, chị Chưng có thêm vài ký gạo, chai dầu, bịch bánh kẹo. Vay tiền với lãi suất ưu đãi cho các hộ muốn phát triển kinh tế. Chị được giãn nợ khi trâu bò chết. Thay vì trả nợ trong thời gian quy định, chị Chưng được kéo thời gian trả nợ thêm 5 năm. Đôi khi có sự hỗ trợ nào đó từ các đơn vị từ thiện, hộ nghèo như gia đình chị Chưng có sự ưu ái.

Như mùa dịch này, xã cũng nhận một tấn gạo cứu đói. Nhưng giờ số gạo đó sẽ được dành cho những hộ đặc biệt khó khăn, còn chị Chưng đã tự xin xuống tận nhóm đối tượng thứ 3 trong danh sách ưu tiên.

Những chính sách về việc giúp người nghèo vay vốn kinh tế, nếu như không đổ vào nuôi gia súc, gia cầm thì người dân Hướng Lập không biết đầu tư vào đâu. Nhưng, dịch bệnh và thời tiết thất thường ở Hướng Lập không cho phép người dân mạo hiểm với số vốn lớn như vậy.

Chị Chưng không cần trợ cấp. Chị nghĩ mình vẫn đủ ăn. Chị Chưng cần hy vọng thay đổi cuộc sống. Nhưng bối cảnh và chính sách hiện tại chưa cho chị hy vọng.

Hôm ấy, cuốn sổ cán bộ xã Hướng Lập đi họp ở bản A Xóc về, có đoạn ghi: "Tháng 9/2019, bà Hồ Thị Chưng (48 tuổi) ở bản A Xóc, xã Hướng Lập tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo".

Tác giả: Nguyễn Đắc Thành

Nguồn tin: https://vnexpress.net/


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ TẬP - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Tập - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập