Theo báo cáo từ BQL rừng phòng hộ Nam Trà My, tổng diện tích cho thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh hiện trên 848 ha và thực tế đã trồng gần 84 ha. Từ năm 2016 đến 9/2022 tổng số tiền thu được từ dịch vụ thuê môi trường rừng đã nộp ngân sách đối với 7/19 đơn vị trên 159 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND huyện Nam Trà My đã tổ chức được 58 phiên chợ sâm Ngọc Linh, trong đó, có 32 phiên chợ trực tiếp (tại Trung tâm văn hóa và Trung tâm trưng bày huyện) và 26 phiên chợ trực tuyến bằng hình thức bán hàng trực tuyến online.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định việc thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân một số xã Nam Trà My, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để việc phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng phòng hộ hiệu quả cần có giải pháp khoa học, bài bản và mang tính chiến lược lâu dài.
Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì làm việc với Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn hoàn thiện các nội dung đề án liên quan đến chương trình sâm quốc gia, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, phát triển trung tâm bảo tồn dược liệu quốc gia.
Sở Khoa học công nghệ tăng cường xây dựng chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, tem mác đối với sâm Ngọc Linh; rà soát, tổng hợp danh mục đề tài nghiên cứu khoa học về sâm Ngọc Linh mang tính thực tiễn cao để triển khai.
Đối với dịch vụ cho thuê môi trường rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh cần tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân triển khai đúng quy định cảm kết, và có biện pháp chế tài đủ mạnh mang tính răn đe đối với trường hợp vi phạm.
Các công tác khác như: việc nộp tiền ký quỹ, di thực sâm giống, phát triển sâm giống; bảo vệ môi trường vùng trồng sâm; đảm bảo an ninh trật tự tại các chốt sâm, tổ chức phiên chợ sâm và dược liệu cũng được Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý tại cuộc họp.